Phân phối là con đường mà các bản thu tới được với người nghe. Theo truyền thống, các công ty phân phối thường kí hợp đồng với các nhãn thu âm, qua đó nắm quyền bán các sản phẩm từ những nhãn thu này. Các nhà phân phối được hưởng một khoản từ doanh thu bán đĩa và thanh toán cho các nhãn thu.
Phần lớn các nhà phân phối luôn mong muốn có được những sản phẩm đã hoàn thành và sẵn sàng để tung ra thị trường, nhưng cũng có khi họ sẽ đưa ra những thoả thuận “M&D”. M&D (Manufacturing & Distribution) là viết tắt của sản xuất và phân phối. Thông qua sự sắp đặt này, các nhà phân phối trả trước chi phí sản xuất của một album và giữ toàn bộ doanh thu bán đĩa cho tới khi số lợi nhuận đó tương ứng với khoản đầu tư ban đầu.
Ở thế kỉ XX, các công ty phân phối âm nhạc chính là sợi dây kết nối giữa các hãng thu và những cửa hàng bán lẻ, bao gồm các cửa hàng băng đĩa nhạc, những ông lớn trong ngành bán lẻ như Walmart và Bestbuy hay các nhà sách. Để hiểu rõ về vai trò của các nhà phân phối trong nền công nghiệp âm nhạc, hãy hình dung các công ty này như những nhài bán buôn. Trước đây, sau khi kí hợp đồng với các nghệ sĩ, các hãng thu sẽ giám sát toàn bộ quá trình thu âm, tiếp thị và quảng bá sản phẩm âm nhạc.
Những người nghe chỉ có thể tiếp cận các bài nhạc yêu thích qua đĩa vinyl, băng cát-sét và đĩa CD. Thông thường, các hãng thu sẽ là đơn vị đứng ra chi trả mọi chi phí cho quá trình sản xuất những sản phẩm này. Để bản sao của các album này tới được tay người hâm mộ, các thoả thuận cần thiết sẽ được ký giữa hãng thu và nhà phân phối – hay nói cách khác là với các cửa hàng bán lẻ để album được bán ra.
Trong khi một số nhà phân phối mua thẳng album từ các nhãn thu, một số khác lại phân phối các album theo lô hàng. Điều này là tương tự đối với các nhà bán lẻ.
Sự thay đổi vượt bậc của ngành công nghiệp
Bước vào thế kỉ XXI, ngành công nghiệp âm nhạc có những thay đổi vượt bậc khi có sự xuất hiện của downloading (tải dữ liệu). Trước khi bị hạn chế như hiện nay, người hâm mộ có thể tải về hàng triệu bài hát đến từ rất nhiều nghệ sĩ khác nhau mà không phải trả một chi phí nào, thông qua các công ty như Napster. Hiện nay, người nghe nhạc có xu hướng trả phí để tải những bản nhạc trực tuyến một cách hợp pháp qua các kênh phân phối như iTunes và Amazon.
Do đó mà doanh số bán đĩa vinyl, băng cát-sét và CD sụt giảm mạnh, khiến ngành công nghiệp thiệt hại hàng triệu USD. Các dịch vụ đăng kí như Pandora và Spotify cũng đã khiến cho thiệt hại về doanh thu này ngày một gia tăng. Hàng trăm doanh nghiệp phân phối âm nhạc phải đóng cửa, chỉ một số ít doanh nghiệp có liên kết với các hãng thu lớn còn trụ lại. Sony, Capitol, Universal Music Group và Warner chính là những cái tên sở hữu các công ty phân phối hàng đầu.
Tương lai của ngành phân phối âm nhạc
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vẫn còn đó một vị trí dành cho các nhà phân phối âm nhạc, ngay cả khi phải đối mặt với những thay đổi cấp tiến của ngành công nghiệp. Rốt cuộc, không phải hãng thu âm hay nhạc sĩ nào cũng muốn nhận trách nhiệm phân phối các tác phẩm của họ. Chính vì lý do này, những nhà phân phối còn tồn tại vẫn giữ một mối quan hệ mật thiết với các hãng thu để mang âm nhạc đến với người hâm mộ.
Một vài cửa hàng bán lẻ vẫn tiếp tục bán bản sao cứng của các album. Họ cũng đưa nhạc tới các nhà phân phối kỹ thuật số, mặc dù những doanh nghiệp như vậy thường đưa ra thoả thuận trực tiếp với các nghệ sĩ. Đối với các đơn vị phân phối âm nhạc, đặc biệt là các bên chuyên về những thể loại như cổ điển, nhạc Latin và nhạc jazz, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển dành cho họ. Một vài công ty đã gặt hái thành công thông qua việc tập trung phân phối vào các vùng miền và địa phương cụ thể.
Nguồn: Loop Central