Không phải ai cũng hiểu thế nào là trách nhiệm cho DJ Warm-Up. Thậm chí nó có thể là set nhạc quan trọng nhất trong đêm và đáng lẽ ra nó phải được quan tâm nhiều hơn cả những set nhạc cuối chương trình. Nó chính là set nhạc Warm-up, set nhạc mở đầu chương trình.
Bạn không phải Headliner, điều đó không quan trọng. Quan trọng là bạn có thể hiện hết khả năng, chơi nhạc theo đúng “quy luật” hay không?
Cùng MUSE INC điểm qua một số thông tin bạn cần biết để trở thành một DJ Warm-Up đúng nghĩa dưới đây.
1. Hãy giảm “cái tôi” của mình xuống
Một trong những sai lầm mà bất cứ ai theo đuổi nghệ thuật đều mắc phải đó chính là “bệnh nghệ sĩ”. Họ thường là những con người có cái tôi rất lớn và luôn muốn thế hiện bản thân. Thế nhưng, đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, thì chúng ta nên tìm hiểu và giảm bớt cái tôi của mình xuống, nhất là những DJ warmup.
Bạn phải quên đi cái tôi của mình và tập trung vào việc chơi một set nhạc thật “cân bằng”, hài hòa để tạo một bàn đạp cho DJ chính lên chơi dễ dàng hơn. Rất nhiều DJ mới vào nghề khi đánh set đầu đã mắc phải một lỗi : đó là chơi nhạc quá sung và đánh toàn bài hot. Việc này thường phá hỏng sự tiếp nối, lên xuống hài hòa của một đêm nhạc và làm DJ chính càng khó chơi nhạc hơn. Sự nghiệp DJ của bạn sẽ rất ngắn nếu bạn mắc lỗi này!
Một DJ warm up tốt là 1 DJ có khả năng chọn và cut nhạc 1 cách hợp lí. Đừng để “cái tôi” biến bạn thành 1 DJ warm up nghĩ rằng mình chơi hay hơn DJ set chính và bổ vào đầu người nghe ngay từ những track đầu tiên. Nên nhớ rằng Warm up là 1 set rất quan trọng bởi nó đặt ra không khí cho cả 1 buổi tối, và buổi tối quan trọng hơn nhiều so với phần diễn của 1 DJ.
Hãy là 1 DJ warm up thật tốt và sau đó ban tổ chức chắc chắn sẽ liên hệ với bạn cho show tiếp theo.
2. Kiểm soát tempo ổn định.
Trong suy nghĩ của bao raver cũng như các DJ hiện nay luôn so sánh các lễ hội ở Việt Nam với các lễ hội lớn như Ultra Music Festival, Tomorrowland,….Thế nhưng bạn phải hiểu rằng, thể trạng của đa số khán giả Việt khác hoàn toàn so với khán giả nước ngoài, thường thì nếu nghe nhạc “căng” họ cũng chỉ chịu được từ 2-3 set mà thôi. Vì vậy, việc kiểm soát tempo hay style nhạc của bạn là cực kì quan trọng.
Việc kiểm soát sẽ giúp cho khán giả không mất quá nhiều sức mà vẫn có thể thưởng thức toàn bộ bữa tiệc hoặc lễ hội đang tham gia. Hãy là 1 DJ có thể chơi tất cả các thể loại, đừng dính chặt lấy 1 thể loại trong set warm up của mình.
Set warm up không có nghĩa là 1 set buồn thảm hay nhạt nhẽo, hãy luyện tập để bạn có thể chuyển từ Deep House sang 1 thể loại gì đó funky, vui vẻ hơn và tăng năng lượng của set nhạc lên 1 chút mà không phải dùng đến các Hit. Chẳng may anh chàng DJ chính bị tắc đường và bạn phải chơi lâu hơn ngoài với set warm up dự kiện thì điều này chắc chắn sẽ giúp bạn có thể có hình ảnh trong mắt ban tổ chức.
Luôn tỉnh táo để chơi nhạc không “gãy”, giữ cho khán giả không mất sức, khi đó bạn sẽ thành công.
3. Tìm hiểu về nghệ sĩ chính hoặc nghệ sĩ chơi sau bạn.
Vì sao chúng ta phải tìm hiểu về nghệ sĩ chính hoặc nghệ sĩ chơi sau bạn ? Bạn đang lên list nhạc sẽ chơi ngày hôm đó, một lời khuyên là bạn nên nghe thử một set nhạc của những DJ sẽ góp mặt cùng bạn tại show, điều đó sẽ giúp bạn trong việc chọn nhạc.
Ví dụ người nghệ sĩ chơi sau bạn thường chơi 126bpm hay thậm chí là 128bpm vào khung giờ vàng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn được quyền chơi nhạc ở 125bpm đổ xuống. Ban đầu bạn có thể chơi nhẹ nhàng, cầm chừng và có thể nâng dần tốc độ khi gần hết set.
Một ví dụ khác cho việc này, ví dụ bạn được xếp chơi mở màn của show, chắc chắn là bạn không thể chơi Bigroom/Trap/Dustep được bởi vì bạn sẽ giết chết cả show ngay khi nó vừa bắt đầu.
Lời khuyên dành cho bạn rằng hãy gọi điện thoại và nói chuyên với anh chàng DJ đó để biết thêm về anh ta, đừng ngại bởi vì bạn đang cố gắng giúp anh ta có 1 phần trình diễn hoàn hảo mà thôi.
4. Theo dõi hiệu ứng đám đông
Các DJ warmup thường chia sẻ về nỗi ám ảnh của họ, đó là “đám đông”. DJ mở màn sẽ đối phó với thử thách nhiều hơn những DJ được xếp sau vì anh ta phải bước vào công việc lúc sàn nhảy trống trải và dần lấp đầy những chổ trống để nhường lại sân khấu cho những ngôi sao luôn xuất hiện đúng lúc. Thực tế để mà nói, đây không phải là nỗi ám ánh mà đây chính là cơ hội để bạn “ghi điểm” trước các khán giả khi họ đang tỉnh táo 100%.
Hãy luôn quan sát đám đông thay vì chăm chăm nhìn vào bàn mixing và quan trọng lựa chọn những track nhạc phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Nói thì có vẻ là khó nhưng nó dễ vô cùng.Thử tưởng tượng bạn bắt đầu set nhạc của mình bằng những track nhạc vui tươi nhẹ nhàng khiến khán giả “nở nụ cười” và có đủ thời gian, không gian thưởng thức những gì bạn mang lại. Sau đó, lượng khán giả sẽ đông dần lên, bạn thay đôi không khí bằng những track nhạc có bass trung bình để khán giả nhún nhảy và cuối cùng là chơi những bản nhạc chứa năng lượng.
Nếu như phong cách chơi nhạc của bạn khiến khán giả đứng yên thì hãy khéo léo quan sát họ lựa chọn phong cách khác, giao tiếp với họ thông qua những đoạn control hay những bài hát có lời.
Tốt nhất bạn cũng nên chuẩn bị một set nhạc dự bị, để phòng trừ khả năng set nhạc bạn đang chơi không lôi cuốn khán giả.
Nguồn: Viet Nam Sound