MUSE INC - CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN PHAT BEATS STUDIO - GPKD số 0313071986

“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới, nhưng lần này không phải do chính phủ, hay lòng tham của những ông trùm. Bong bóng thị trường club trên thế giới sẽ vỡ nếu không kiểm soát được chi phí book DJ” – MixMag viết về thực trạng hiện nay của các club.

Âm nhạc điện tử thế giới đã có rất nhiều sự thay đổi trong những năm gần đây. Giá trị của ngành công nghiệp này nhảy vọt từ 4 tỉ USD lên hơn 7 tỉ USD vào năm 2018 theo báo cáo của IMS. EDM cũng là thể loại  nhạc điện được nghe nhiều thứ 3 thế giới, với 1.5 tỉ người nghe toàn cầu. Với xu thế của thị trường, những thương hiệu lớn bắt đầu nhảy vào cuộc chơi, và các DJ trở thành những người đại sứ giúp họ thúc đẩy doanh thu của mình. Các DJ giờ đây đi khắp thế giới để tiếp cận khán giả và kiếm tiền từ đó. Ben Rau – DJ và là chủ một hãng thu âm tại Đức chia sẻ: “Nếu như 10 – 15 năm trước chỉ có các nghệ sĩ hàng đầu mới đi lưu diễn quốc tế, thì giờ đây các DJ tầm trung cũng có thể làm như vậy, đó là xu hướng diễn ra trên toàn cầu.”

Tuy nhiên, các DJ tầm trung lại đứng trước nguy cơ bị đào thải khi các club và nhà tổ chức sự kiện ngày càng tập trung vào vị trí headliner. Andy Blackett, người đứng đầu đội sự kiện tại Fabric London nói về thực trạng hiện nay: “Có một thứ gọi là “văn hóa headline”, nơi các club dành tới 80% ngân sách cho headliner, rồi mới tính toán đến các DJ khác. Và các DJ tầm dưới luôn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, điều này không hề tốt cho âm nhạc điện tử thế giới”.

Không chỉ các DJ tầm trung, mà các club quy mô nhỏ cũng chịu chung gánh nặng này. Andy Blackett cho biết thêm: “Chúng tôi đã khảo sát các khán giả 25 tuổi về xu hướng tham gia sự kiện của họ, và nhận được câu trả lời rằng họ thà bỏ ra 50 Bảng (1.5 triệu đồng) để xem các nghệ sĩ nổi tiếng, còn hơn là bỏ 25 Bảng để xem những DJ mà họ chưa từng nghe tên. Đó là lý do “văn hóa headline” không thể bị xóa bỏ, trong khi chi phí nghệ sĩ thì ngày một gia tăng”.

Vậy tại sao giá trị của các DJ lại gia tăng với tốc độ chóng mặt đến như vậy? Cũng giống như bao công việc khác, họ kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống, và họ cũng cần phải nỗ lực nhiều năm để vươn lên vị trí headliner và gặt hái thành quả của mình. Và họ cùng cần phải làm điều đó thật nhanh chóng, trước khi lụi tàn bởi đằng sau ánh hào quang, DJ là một nghề mệt mỏi và đầy áp lực. 

“Những nghệ sĩ thành công trong nghề mà tôi biết, họ ở trong studio từ thứ 2 đến thứ 6 làm nhạc, hoàn thiện và đăng tải những ấn phẩm truyền thông, chuẩn bị set nhạc và biểu diễn tất cả các ngày cuối tuần và lặp lại. Họ luôn muốn mang đến những show diễn tốt nhất, thúc đẩy tên tuổi của mình nhanh nhất có thể và giá trị của họ cũng tăng theo” – Keira Sinclair, nhà sáng lập công ty quản lý nghệ sĩ POLY. chia sẻ.

Và dĩ nhiên, chi phí cho mỗi show diễn cũng không hoàn toàn thuộc về các DJ, mà còn phải chia cho quản lý và agency – những người tìm kiếm và mang đến cơ hội biểu diễn cho họ. “Trước khi tiền được chuyển đến các DJ, agency sẽ lấy 15%, người quản lý lấy 20%.

Như vậy là 35% số tiền club phải trả thực chất không dành cho DJ” – Ben Rau giải thích về số tiền mà các DJ nhật được mỗi show diễn.

Nhưng họ cũng phải đối mặt với những rủi ro của riêng mình. Các show diễn không được book vào cùng 1 thời điểm và có thể thay đổi vào phút chót dẫn đến việc mua vé máy bay sát ngày, thay đổi lộ trình,… mỗi lần thay đổi là một lần số tiền mà họ nhận được bị ảnh hưởng.

Vậy cuối cùng, khi chi phí book DJ lên tới hàng ngàn Euro, ai mới thực sự là người được hưởng lợi?

Nguồn: Vietnam Sound

Related Post